Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Giới thiệu chung về trò chơi dân gian Việt Nam


Mỗi người chúng ta ai cũng đã từng là một đứa trẻ và đã từng chơi những trò chơi của trẻ. Những vòng quay của con quay (chơi cù) hay những bước nhảy lò cò của trò chơi ăn quan... tất cả như một bức tranh sinh động của cuộc sống. Những điệu nhảy mềm mại, những cánh diều bay nhè nhẹ trên cao như đưa văn hóa Việt Nam đến khắp năm châu. 
 
                Trò chơi trẻ em Việt Nam thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo của dân tộc. Đấy là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần một cách thoải mái, có thể ngắn dài bất kỳ hoặc lặp đi lặp lại không dứt.   Chơi chọi gà là một trong những thú chơi được trẻ em thích thú vì không chỉ nó là con vật gần gũi với đời sống của trẻ mà nó còn mang ý nghĩa như một chiến binh khát vọng chiến thắng:“Con gà cục tác cục ta/ Hay đỗ đầu hè hay chạy rông rông/ Má gà thì đỏ hồng hồng/ Cái mỏ thì nhịn, cái mồng thì tươi/ Cái chân hay đạp hay bơi/ Cái cánh hay vỗ lên trời gió bay”. Hay bài đồng dao của trò chơi ô ăn quan: “Hàng trầu hàng cau/ Là hàng con gái/ Hàng bánh hàng trái/ Là hàng bà già/ Hàng hương hàng hoa/ Là hàng cúng Phật...”. Vì đặc tính của trò chơi rất đơn giản, chỉ là những hòn sỏi được rải trên nền đất và khi chơi phải đếm từng hòn sỏi một nên nó là trò chơi hiền lành, không đòi hỏi nhiều lắm vào trí tuệ, sức lực nhưng lại yêu cầu tính kiên nhẫn nên người chơi chủ yếu là các em gái. Rồng rắn lên mây là trò chơi gắn với đồng dao nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp, có liên quan đến nghi thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp: “Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nắc/ Có nhà khiển binh/ Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không...” .Đồng dao được cấu trúc theo một lôgic riêng, đôi khi không có nghĩa gì cả, nhưng bằng tư duy liên tưởng, trẻ em vẫn có thể nhập vào câu hát để dẫn đến những kết cục bất ngờ: cái ngược đời, cái phi lý, lại có thể chấp nhận vì đấy là bài hát của trẻ em. “Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện chăng tơ, quả mơ có hạt...” là bài đồng dao mà các cô bé thường hát để chơi chuyền. Đây là trò chơi chủ yếu dành cho bé gái, dụng cụ là một quả bóng (có thể được thay bằng một hòn đá hoặc quả ổi xanh) và 10 que tre được vót tròn (có thể thay bằng đũa). “Cút ca cút kít/ Làm ít ăn nhiều/ Nằm đâu ngủ đấy/ Nó lấy mất cưa/ Lấy gì mà kéo...” là bài đồng dao của trò chơi quay (cù) cũng được trẻ em yêu thích. Ta có thể bắt gặp những đứa trẻ túm năm tụm ba, bỏ quên hết nhọc nhằn của cuộc sống, những bài học khó để cuốn theo vòng xoáy của những con quay.Từng vòng, từng vòng xoay tít, vui thú với những cú đánh lắc bổ nhào trúng quay của đối phương, cuộc sống của chúng dường như chỉ có vậy. Con quay được tiện hay đẽo bằng gỗ, hình giống quả ổi; tuỳ theo từng địa phương, dân tộc mà con quay có thể có hoặc không có núm (còn gọi là tu) ở phía trên. Bên dưới thân quay có “chân” làm bằng gỗ hoặc bằng đinh hình chóp nón hoặc không có “chân”. Khi chơi, các em quấn dây một vòng quanh tu, sau đó quấn dần xuống thân. Kẹp đầu dây còn lại có nút thắt vào giữa hai ngón tay để giữ dây, sau đó vung tay liệng hoặc bổ quay rơi xuống đất. Lúc này, theo quán tính con quay sẽ quay tít, gần như đứng yên (ngủ), sau đó các em khác ra bổ quay hoặc cứu quay và xác định người thắng cuộc.Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với các sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi như sôi nổi, điềm đạm hay trầm tĩnh. Mỗi trò lại có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán. Rồng rắn lên mây, cướp cờ... là trò chơi nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp. Đẩy gậy lại có nhiều nét tương đồng và gần gũi với môn thi đấu vật hay chọi trâu của người lớn. Trò kéo co cũng thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực và sự nhanh nhẹn, khéo léo. Đánh đáo, chơi chuyền, chơi ô ăn quan lại rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cá nhân, khả năng tính toán, phán đoán chính xác. Từ chỗ ganh đua mang tính chất tượng trưng, dần dần các trò chơi trở thành những cuộc thi tài, thi khéo, các cuộc thi đấu thể thao như bi sắt, nhẩy ngựa, đá cầu... Trò chơi dân gian chủ yếu dành cho trẻ em ở các vùng nông thôn nên cái tên cũng giản đơn, nôm na như tên thằng Tí, con Na, thằng Ốc, cái Hến vậy: nào là đánh đáo, đánh quay, nào là đi cà kheo, nổ pháo đất... Hơn nữa, các trò chơi dân gian Việt Nam thường giản tiện, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái gậy, hòn đá, hòn bi chúng có thể nhặt trong vườn, dưới ruộng là có thể lập được một hội chơi. Người chơi thường là những trẻ chăn trâu lê la túm tụm ngoài bãi cỏ, ngoài việc vui đùa, rèn luyện thân thể, còn thể hiện nỗi khát khao chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ
Đưa các trò chơi dân gian vào chương trình hoạt động vui chơi giải trí trong các trường học là một trong những nội dung cần được các nhà trường quan tâm triển khai thực hiện nhằm hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cưc" do Bộ GD-ĐT phát động. Chuyên mục này xin được giới thiệu một số trò chơi dân gian dành cho lứa tuổi học trò để mọi người tham khảo.
Chơi Ô ăn quan  

Vẽ một hình chữ nhật được chia đôi theo chiều dài và ngăn thành 5 hàng dọc cách khoảng đều nhau, ta có được 10 ô vuông nhỏ. Hai đầu hình chữ nhật được vẽ thành 2 hình vòng cung, đó là 2 ô quan lớn đặc trưng cho mỗi bên, đặt vào đó một viên sỏi lớn có hình thể và màu sắc khác nhau để dễ phân biệt hai bên, mỗi ô vuông được đặt 5 viên sỏi nhỏ, mỗi bên có 5 ô.

Hai người hai bên, người thứ nhất đi quan với nắm sỏi trong ô vuông nhỏ tùy vào người chơi chọn ô, sỏi được rãi đều chung quanh từng viên một trong những ô vuông cả phần của ô quan lớn, khi đến hòn sỏi cuối cùng ta vẫn bắt lấy ô bên cạnh và cứ thế tiếp tục đi quan (bỏ những viên sỏi nhỏ vào từng ô liên tục). Cho đến lúc nào viên sỏi cuối cùng được dừng cách khoảng là một ô trống, như thế là ta chặp ô trống bắt lấy phần sỏi trong ô bên cạnh để nhặt ra ngoài. Vậy là những viên sỏi đó đã thuộc về người chơi, và người đối diện mới được bắt đầu.

Đến lượt đối phương đi quan cũng như người đầu tiên, cả hai thay phiên nhau đi quan cho đến khi nào nhặt được phần ô quan lớn và lấy được hết phần của đối phương. Như thế người đối diện đã thua hết quan.

Hết quan tàn dân, thu quân kéo về. Hết ván, bày lại như cũ, ai thiếu phải vay của bên kia. Tính thắng thua theo nợ các viên sỏi. Quan ăn 10 viên sỏi.

Cách chơi ô ăn quan được nói lên rất đơn giản nhưng người chơi ô ăn quan đã giỏi thì việc tính toán rất tài tình mà người đối diện phải thua cuộc vì không còn quan (sỏi) bên phần mình để tiếp tục cuộc chơi...
Rồng rắn lên mây

Một người đứng ra làm thầy thuốc, những người còn lại sắp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước hoặc đặt trên vai của người phía trước. Sau đó tất cả bắt đầu đi lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi vừa hát:

Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không?


Người đóng vai thầy thuốc trả lời:
- Thấy thuốc đi chơi ! (hay đi chợ, đi câu cá , đi vắng nhà... tùy ý mà chế ra). Đoàn người lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời:
- Có !
Và bắt đầu đối thoại như sau : Thầy thuốc hỏi:
- Rồng rắn đi đâu?
Người đứng làm đầu của rồng rắn trả lời:
- Rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con.
- Con lên mấy ?
- Con lên một
- Thuốc chẳng hay
- Con lên hai.
- Thuốc chẳng hay.
.................................................. ....


Cứ thế cho đến khi:
- Con lên mười.
- Thuốc hay vậy.
Kế đó, thì thầy thuốc đòi hỏi:
+ Xin khúc đầu.
- Những xương cùng xẩu.
+ Xin khúc giữa.
- Những máu cùng me.
+ Xin khúc đuôi.
- Tha hồ mà đuổi.

Lúc đó thầy thuốc phải tìm cách làm sao mà bắt cho được người cuối cùng trong hàng.
Ngược lại thì người đứng đầu phải dang tay chạy, cố ngăn cản không cho người thầy thuốc bắt được cái đuôi của mình, trong lúc đó cái đuôi phải chạy và tìm cách né tránh thầy thuốc. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó phải ra thay làm thầy thuốc.

Nếu đang chơi dằng co giữa chừng, mà rồng rắn bị đứt ngang thì tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.


Chơi thẻ


Trò chơi dành cho con gái. Số người chơi 2-5 người. Đồ chơi gồm có 10 que nhỏ và một quả tròn nặng (quả cà, quả bòng nhỏ...), ngày nay các em thường chơi bằng quả bóng tennis.

Cầm quả ở tay phải tung lên không trung và nhặt từng que. Lặp lại cho đến khi quả rơi xuống đất là mất lượt. Chơi từ bàn 1 (lấy một que một lần tung) bàn 2 (lấy hai que một lần) cho đến 10, vừa nhặt quả chuyền vừa hát những câu thơ phù hợp với từng bàn.
Một mốt, một mai, con trai, con hến,… Đôi tôi, đôi chị… Ba lá đa, ba lá đề v.v. Hết bàn mười thì chuyền bằng hai tay: chuyền một vòng, hai vòng hoặc ba vòng... và hát: “Đầu quạ, quá giang, sang sông, trồng cây, ăn quả, nhả hột…” khoảng 10 lần là hết một bàn chuyền, đi liền mấy ván sau và tính điểm được thua theo ván.

Khi người chơi không nhanh tay hay nhanh mắt để bắt được bóng và que cùng một lúc sẽ bị mất lượt, lượt chơi sẽ chuyển sang người bên cạnh.

Chơi chuyền làm người ấm lên và rất vui. Thường trong suốt mùa hè hoặc mùa thu, các cô gái nhỏ chơi chuyền ở khắp mọi nơi, dưới bóng cây hay ở sân nhà...
Thả đỉa ba ba
Trò chơi thể hiện việc qua sông, qua bưng, ruộng...ngập nước. ở dưới nước có đỉa. Cả nhóm làm sao xuống nước mà đỉa không bắt chước.
Trước hết vẽ hai đường song song cách nhau độ 2m (hay qui định khoảng trống nào đó) giả định là sông nước. Một em ra giữa vòng vừa hát vừa lấy tay ra đập nhịp vào vai các bạn:




Thả đỉa / ba ba
Chớ bắt / đàn bà
Tha tội / đàn ông
Cơm trắng / gạo trắng
Gạo thuyền như nước
Ðổ mắm / đổ muối
Ðổ chuối / hạt tiêu
Ðổ niêu / nước chè
Ðổ phải nhà nào
Nhà ấy.... chịu
Từ "chịu" trúng em nào thì em ấy xuống sông làm "đỉa". Bọn trẻ đứa chạy đầu này, đứa băng qua sông góc nọ. "Ðỉa" rượt để bắt. Bọn trẻ lại hát bài hát ghẹo
Sang sông / về sông / trồng cây / ăn quả / nhả hạt. "Ðỉa" rượt bên này thì bên kia xuống sông. "Ðỉa" quay lại bên kia thì lũ bên nọ lại réo lên: "ăn quả / nhả hạt" rồi ào xuống. Chẳng may ai bị "đỉa" vớ phải thì trở thành "đỉa".
Đánh quay


Đánh quay là trò chơi dành cho con trai. Chơi thành nhóm từ 2 người trở lên, nếu đông có thể chia thành nhiều nhóm. Một người cũng có thể chơi quay, nhưng nếu chơi nhiều người và có nhiều người ở ngoài cổ vũ thì sẽ sôi nổi và hấp dẫn hơn nhiều.
Đồ chơi là con quay bằng gỗ hay sừng hình nón cụt, có chân bằng sắt. Dùng một sợi dây, quấn từ dưới lên trên rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất, người đó được. Có thể dùng một con quay khác bổ vào con quay đang quay mà nó vẫn quay thì người chủ của con quay đó được nhất.

Trò chơi "Tạt lon"
* Cách chơi: Kẽ khung và đặt lon vào trong khung đã kẽ sau đó kẽ vạch để tạt cách lon khoảng 4 hoặc 5 bước, sau đó tất cả người chơi đứng ở khung kẽ của lon dùng dép thảy để xem ai ném trước, dép người nào gần vạch hay nằm trên vạch là được tạt trước và dép người chơi nào xa vạch nhất sẽ giữ lon. Người chơi phải đứng từ vạch và lần lượt tạt sau cho dép trúng lon và văng ra khỏi khung kẽ của lon thì người giữ lon phải tìm lon về đặt lại chổ cũ và phải tìm cách chạm vào người tạt trúng lon trước khi người đó chạy về vạch, người tạt trúng lon phải lượm dép và chạy về vạch để người giữ lon không bắt được thì xem như thắng cuộc.
* Luật chơi: Nếu người chơi nào tạt không trúng lon hay người giữ lon chạm trúng người nào mà trước khi người đó chạy về vạch đứng thì người đó sẽ bị bắt giữ lon.

Trò chơi "Khiên kiệu"

* Cách chơi: Chia làm 2 đội, mỗi đội có 3 người chơi, 2 người chơi đứng đối mặt nhau lấy tay phải nắm vào giữa tay ngay cùi chỏ của mình và tay trái thì nắm vào tay phải của người đối diện để làm kiệu. Sau đó người chơi còn lại của đội này ngồi lên kiệu của đội kia và phải giữ cho chắc để không ngã.
* Luật chơi: Kiệu phải giữ chắc nếu vuột tay thì đội làm kiệu phạm luật và người ngồi kiệu của đội đối diện nếu ngã thì cũng sẽ phạm luật và thua cuộc.
Trò chơi "Trốn tìm"

* Cách chơi:
- Người chơi cử 1 bạn đi tìm ( có thể xung phong), nhắm mắt thật kĩ ( có nơi dùng khăn hoặc miếng vải để bịt mắt); các bạn còn lại tản ra xung quanh đi trốn.
- Khi bạn bịt mắt hỏi: “Xong chưa?” (hoặc bạn đi tìm có thể đọc: “5-10-15-20-..... -100); một bạn trốn đại diện trả lời: “Xong!”. Bạn đi tìm mở mắt đi tìm.

* Luật chơi:
- Trong khoảng thời gian quy định, bạn đi tìm tìm thấy bạn nào bạn ấy thua cuộc, không tìm thấy bạn đi tìm chịu phạt.
- Bạn đi tìm trong thời gian quy định tìm thấy hết các bạn chơi bạn đi tìm thắng cuộc.

Trò chơi dân gian "Lựa đậu"

* Vật dụng : Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, rá đựng hạt, chén.

* Cách chơi: Chia thành nhiều đội, mỗi đội 3 người. Ba loại hạt sẽ được trộn chung vào cùng 1 cái rá, mỗi đội 1 rá. Sau khi nghe tiếng còi báo hiệu bắt đầu thì các đội sẽ phân loại hạt nào ra hạt đó bỏ vào chén.

* Luật chơi: Các đội thực hiện trong vòng 3 phút, đội nào phân loại xong trước thì đội đó thắng.

Trò chơi dân gian "Ném vòng"

* Chuẩn bị:
- 3 cái chai.
- 9 cái vòng đường kính từ 15 đến 20 cm.
Làm bằng tre (tùy theo đích ném nếu đích là vật có cổ to thì vòng phải to sao cho lọt được vào cổ vật làm đích).

* Cách chơi:Đặt 3 cái chai thành một hàng thẳng cách nhau 50 đến 60 cm. Vẽ vạch chuẩn cách chai từ 100 đến 150 cm (tùy theo khả năng và mức độ chơi ở các lần khác nhau mà tăng dần khoảng cách). Người chơi xếp 3 hàng đứng dưới hàng kẽ, mỗi lần chơi cho 3 người ném, mỗi người ném 3 vòng, thi xem ai ném được nhiều vòng lọt vào cổ chai là người đó thắng cuộc.
Trò chơi "Đá gà"

* Cách chơi:
- Mỗi người gấp 1 chân của mình, chân còn lại nhảy lò cò đi đá chân của người khác.
- Dùng chân gấp khúc đó đá vào chân gấp khúc của người khác.

* Luật chơi:Ai mà té trước thì là người thua cuộc.

Trò chơi "Nhảy cóc"
* Cách chơi:
Hai người chơi đứng đối diện nhau ở 2 đầu sân chơi. Vạch 2 mức đích
Cả 2 cùng đọc:
Oẳn tù tì.
Ra cái gì.
Ra cái này.
Sau khi oẳn tù tì, người thắng được quyền nhảy cóc về phía trước 1 nhịp. Khi nhảy xa, chụm 2 chân lại để nhảy. Sau đó lại oẳn tù tì tiếp, người thắng lại đươc quyền nhảy cóc tiếp 1 nhịp. Người nào nhảy xa và thường thắng trong khi oẳn tù tì thì sẽ nhảy về mức đích đã vẽ trước.

* Luật chơi:
Khi nhảy 2 chân phải chụm lại. Người oẳn tù tì thắng có quyền nhảy ngắn hoặc dài tùy sức của mình, nhưng nếu để tay chống (chạm) xuống đất thì coi như không được nhảy bước đó (phải trở về vị trí cũ trước khi nhảy bước đó).
Phần thưởng của người thắng cuộc là được người thua cõng chạy 1 vòng quanh sân.

Trò chơi "Đi câu ếch"
* Vật dụng: 1 cái que chừng 1m, 1 sợi dây chừng 1m, 1 miếng giấy hơi nặng.
* Chuẩn bị: Vẽ 1 vòng tròn (đường kính tùy độ tuổi và số lượng người chơi) để làm ao. Cần câu là 1 cây que chừng 1m buộc 1 sợi dây dài chừng 1m, đầu sợi dây buộc 1 miếng giấy gập nhỏ lại cho hơi nặng để có thể hất trúng ếch ở xa. Đầu que có thể bịt vải để tránh nguy hiểm.

* Cách chơi:
Dùng trò chơi Oản tù tì để xem ai là người đi câu.
Mọi người vào trong ao làm ếch, còn người đi câu ở ngoài cầm cần đi câu.
Khi người điều khiển phát lệnh và bắt nhịp thì mọi người bắt đầu hát:
“Ếch ở dưới ao
Vừa ngớt mưa rào
Nhảy ra bì bọp
Ếch kêu ộp ộp
Ếch kêu oạp oạp
Thấy bác đi câu
Rủ nhau chốn mau
Ếch kêu ộp ộp
Ếch kêu oạp oạp”
Khi hát làm động tác như ếch đang nhảy, tay chống nạnh, chân chụm lại hơi nhún xuống, nhảy lung tung trong vòng tròn. Nếu thấy người đi câu còn ở xa thì có thể nhảy lên bờ (ra khỏi vòng tròn) để chơi nhưng phải cảnh giác người đi câu, vì nếu đang ở trên bờ mà để người đi câu quâng dây trúng là bị bắt, phải thay làm người đi câu. Ngược lại người đi câu cũng tỏ ra lơ là đi rảo quanh bờ để lừa ếch mất cảng giác rồi bất ngờ quăng dây bắt.

* Luật chơi:
Ếch nào bị người đi câu quăng dây trúng thì sẽ bị bắt và phải thay làm người đi câu.
Nếu lâu (thời gian tùy nhóm chơi quy định) mà không câu được con ếch nào thì người đi câu sẽ bị phạt nhảy ếch 1 vòng (số vòng tùy nhóm chơi quy định) quanh ao.

Trò chơi "Cua cắp"

* Cách chơi:
Dùng trò chơi Oản tù tì để xác định người đi trước. Người đi trước bốc 10 viên sỏi lên thả xuống đất (số lượng viên sỏi có thể chọn tùy thích), sau đó đan 10 ngón tay vào nhau nắm lại, chỉ để 2 ngón duỗi thẳng ra làm càng cua.
Người chơi dùng 2 ngón tay lần lượt cắp từng viên sỏi nhưng không được chạm viên sỏi khác bỏ qua một bên. Lượt 1 cắp 1 viên, lượt 2 cắp 2 viên, … lượt 10 cắp 10 viên.
* Luật chơi:
Nếu người chơi khi đang cắp sỏi mà chạm vào viên khác thì phải nhường cho người kế tiếp đi.
Sau khi cắp hết 10 viên, đếm xem ai cắp được nhiều nhất thì người đó thắng .

Trò chơi "Lùa vịt"

* Cách chơi:
- Tập thể chơi cử 1 bạn làm hổ ( hoặc người lùa vịt) đứng ở ngoài vòng tròn, các bạn còn lại đứng trong vòng tròn làm lợn (hoặc vịt).
- Khi có lệnh chơi hổ ( người lùa vịt) chạy quanh vòng tròn, tìm cách đập vào người các bạn đứng trong vòng tròn.

* Luật chơi: Hổ ( người lùa vịt) đập vào lợn (hoặc vịt), lợn phải ra ngoài thế chỗ cho người làm hổ.







Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét